MỘT SỐ LƯU Ý VỀ HÌNH THỨC TẠM NHẬP, TÁI XUẤT

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ HÌNH THỨC TẠM NHẬP, TÁI XUẤT

Các hình thức tạm nhập tái xuất:

Pháp luật Việt Nam quy định các hình thức tạm nhập tái xuất bao gồm:

G11/G21: Tạm nhập tái xuất hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất.

G12/G22: Tạm nhập tái xuất máy móc, thiết bị phục vụ dự án có thời hạn..

Sử dụng trong trường hợp:

    • Doanh nghiệp thuê mướn máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, khuôn mẫu từ nước ngoài hoặc từ các khu phi thuế quan đưa vào Việt Nam để sản xuất, thi công công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm.
    • Tạm nhập tái xuất để bảo hành, sửa chữa.
    • Tạm nhập tái xuất tàu biển, máy bay nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng tại Việt Nam.

G13/G23: Tạm nhập tái xuất hàng miễn thuế

Sử dụng trong trường hợp:

    • Tạm nhập tái xuất máy móc thiết bị do bên thuê gia công cung cấp phục vụ hợp đồng gia công, máy móc từ hợp đồng khác chuyển sang.
    • Tạm nhập hàng hóa miễn thuế gồm: Hàng tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, máy móc dụng cụ nghề nghiệp phục vụ hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biển diễn văn nghệ, khám chữa bệnh.

Chính sách thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất:

Chính sách thuế đối với hàng tạm nhập tái xuất được quy định tại Khoản 9 Điều 16 Luật Xuất nhập khẩu. Cụ thể, hàng hóa tạm nhập tái xuất sẽ được miễn thuế trong các trường hợp sau:

    • Hàng hóa tạm nhập tái xuất để tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác, máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất
    • Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng tại Việt Nam
    • Hàng hóa tạm nhập tái xuất để bảo hành, sửa chữa, thay thế.
    • Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập tái xuất để chứa hàng hóa xuất nhập khẩu
    • Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập tái xuất.

Các trường hợp hàng hóa tạm nhập tái xuất không miễn thuế bao gồm:

    • Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất. Doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật (nếu có) trước khi hoàn thành thủ tục hải quan hàng tạm nhập.
    • Số tiền nộp thuế này có thể hiểu giống như một khoản nhà nước giữ lại để tránh tình trạng doanh nghiệp nhập về nhưng không tái xuất, do đó khi doanh nghiệp đã thực xuất thì sẽ được hoàn lại thuế nhập khẩu này.
    • Trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất.
    • Số tiền thuế nhập khẩu sẽ được hoàn lại và khoản hoàn lại được xác định trên cơ sở trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng, lưu lại tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa đã hết trị giá sử dụng thì không được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp.

Hồ sơ thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập, tái xuất:

Khi thực hiện thủ tục hải quan thì người khai hải quan cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau:

    • Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
    • Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp;
    • Văn bản có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tổ chức hội chợ, triển lãm (trừ tạm nhập – tái xuất để giới thiệu sản phẩm): 01 bản chụp;
    • Giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.

Thời hạn khai báo và nộp tờ khai hải quan

    • Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
    • Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;
    • Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định của Luật hải quan 2014.

Thời hạn lưu hàng tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam

Tại Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP có quy định:

“Điều 13. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất

 “4. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.”

    • Như vậy, theo quy định trên chỉ trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất thì mới bị giới hạn thời gian tạm nhập tái xuất là 60 ngày.
    • Trường hợp doanh nghiệp chỉ thực hiện tạm nhập máy móc thiết bị theo diện thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo hợp đồng với công ty mẹ ở nước ngoài thì thời hạn tạm nhập tái xuất sẽ theo thỏa thuận của các bên và đăng ký với hải quan khi làm thủ tục tạm nhập.
    • Luật không có quy định về thời gian tối đa tạm nhập tái xuất và không có quy định hạn chế số lượng/giá trị tạm nhập do đó không phải thực hiện tách khối lượng hàng hóa để nhập thành từng đợt.
    • Trường hợp cần kéo dài thời hạn thương nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.
    • Quá thời hạn trên, doanh nghiệp phải tái xuất hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu huỷ.

Trường hợp ách tắc hàng hóa tạm nhập tái xuất thì sẽ phải xử lý như thế nào?

Theo Điều 14 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết trường hợp ách tắc hàng hóa tạm nhập tái xuất như sau:

“Điều 14. Điều tiết hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất

    1. Trường hợp hàng hóa bị ách tắc trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp giải tỏa, điều tiết trên địa bàn và phối hợp với cơ quan hải quan cửa khẩu tạm nhập có biện pháp điều tiết lượng hàng tạm nhập từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.
    2. Sau khi đã áp dụng biện pháp giải tỏa, điều tiết hàng hóa nêu tại Khoản 1 Điều này nhưng tình trạng ách tắc hàng hóa tạm nhập, tái xuất vẫn chưa được giải tỏa tại cảng, cửa khẩu hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện việc điều tiết hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất bằng các biện pháp sau:
      a) Có văn bản yêu cầu thương nhân tạm ngừng đưa hàng hóa tạm nhập, tái xuất về Việt Nam.
      b) Tạm dừng cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định này.”

         Vậy trong trường hợp hàng hóa bị ách tắc thì chủ tịch ủy ban nhân dân phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp để giải tỏa ách tắc.

    • Trong trường hợp không giải tỏa được thì phải Ủy ban tỉnh thì phải có văn bản yêu cầu thương nhân tạm ngừng đưa hàng hóa tạm nhập, tái xuất về Việt Nam, tạm dừng cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa quy định.

Facebook