Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại quốc gia trong tình hình mới

Với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Trước những yêu cầu của bối cảnh mới, hoạt động xúc tiến thương mại cần được nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp đa dạng với nhiều biện pháp cả trong nước lẫn ngoài nước, hướng tới mục tiêu tăng cường tối đa tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác này. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Kênh phát triển thị trường hiệu quả

Ngày 15/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế mới về việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thay thế Quyết định số 279/2005/QĐ-TTg ngày 03/11/2005 và Quyết định số 80/2009/QĐ-TTg ngày 21/5/2009.

Sau hơn 7 năm triển khai Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg, đến nay, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã trở thành kênh phát triển thị trường hiệu quả. Trong những năm qua, thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiếp cận, mở rộng thị trường tại các thị trường trọng điểm, thị trường mới, nhiều tiềm năng.

Riêng năm 2017, có gần 7.000 lượt DN hưởng lợi từ các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện đạt hơn 569 triệu USD và hơn 324 tỷ đồng, thu hút gần 15 triệu lượt khách tham quan các sự kiện xúc tiến thương mại, trong đó có 357.000 lượt khách hàng giao dịch thương mại.

Về phát triển thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ DN khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới trong và ngoài nước. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần tạo nên sự thành công của xuất khẩu trong thời gian qua với việc xuất khẩu của Việt Nam mở rộng sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2016. Có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Ước tính năm 2017, xuất khẩu sang ASEAN tăng 24,3%, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 14,2%…

Theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, sau 14 năm tham gia Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, DN da giày không chỉ có thêm đơn hàng, mở rộng thị trường, mà còn tạo được mối liên kết giữa các DN. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của toàn Ngành tăng trưởng vượt bậc, từ 3 tỷ USD năm 2003 lên 18 tỷ USD năm 2017 và dự kiến, năm 2018 sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD…

Theo Bộ Công Thương, năm 2018, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được phê duyệt với kinh phí 103 tỷ đồng, gắn với việc triển khai 156 đề án.

Chương trình bao gồm các hoạt động nhằm phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu như: Hội chợ chuyên ngành trong nước, thực hiện tại nước ngoài, hoạt động đón nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng, thông tin thương mại… Cùng với đó, chương trình tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần củng cố và phát triển thị trường trong nước.

So với những năm trước, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018 có nhiều điểm mới khi tập trung hỗ trợ các đề án trọng điểm theo ngành hàng, thị trường, ưu tiên phát triển thương hiệu cho một vài sản phẩm chủ lực theo từng năm. Chương trình đã phê duyệt 11 đề án mang tính trung hạn, tạo điều kiện cho đơn vị chủ trì và DN chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai xúc tiến thương mại cho cả giai đoạn 2018-2020.

Cùng với nhiều điểm mới trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018, mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

Mục tiêu của Chương trình nhằm góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN; Hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với những phản ứng, biến đổi của thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Nghị định số 28/2018/NĐ-CP cũng quy định một số biện pháp phát triển ngoại thương, trong đó, quy định rất rõ về nội dung, nguồn kinh phí, nguyên tắc hỗ trợ và mức hỗ trợ… đối với đề án Xúc tiến thương mại quốc gia.

Những rào cản và đề xuất

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế, vẫn đang còn không ít rào cản, tồn tại ảnh hưởng đến hiệu quả xúc tiến thương mại. Cụ thể, số lượng đề án được phê duyệt hàng năm lớn nhưng chưa rõ trọng tâm, trọng điểm; Quy mô đề án xúc tiến thương mại còn khiêm tốn, chưa có đề án trung và dài hạn; Nguyên tắc phân bổ nguồn kinh phí bố trí giữa các cấu phần và hình thức hỗ trợ chưa được xác định rõ, dẫn đến phần kinh phí cho đào tạo kỹ năng chênh lệch lớn so với kinh phí hỗ trợ trực tiếp DN…

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, vẫn còn một số trường hợp, việc tổ chức các phiên chợ, hội chợ tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Hàng hóa chưa phong phú, đa dạng, việc tổ chức dàn dựng gian hàng tại một số phiên chợ ở địa phương còn sơ sài, chưa gây ấn tượng tốt. Tham gia các phiên chợ phần lớn là DN thương mại nên mới chỉ tập trung vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, nghiên cứu, thăm dò nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng…

Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại quốc gia trong tình hình mới - Ảnh 1

Thời gian tới, DN Việt Nam sẽ có cơ hội để khai thác hiệu quả hơn các lợi ích từ các FTA mang lại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đồng thời, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, DN cũng có cơ hội từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm; Phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững. Để có thể tận dụng được cơ hội, cần chú ý một số vấn đề sau:

Về phía cơ quan quản lý:

Thứ nhất, tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với nhiều hình thức mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả như: Tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng…

Tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường mới, tiềm năng, trong đó hướng sự chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các FTA, nơi các sản phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai.

Thứ hai, dành nhiều hơn nữa nguồn lực hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên các nguồn lực ngoài Nhà nước để phục vụ hoạt động thông tin xúc tiến thương mại.

Thứ ba, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng thông tin xúc tiến thương mại. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động thu thập, trao đổi, mua bán thông tin xúc tiến thương mại từ các tổ chức kinh tế, thương mại và chuyên ngành xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại quốc gia.

Thứ tư, xây dựng các báo cáo chuyên đề xúc tiến thương mại đối với từng thị trường, ngành hàng, sản phẩm để cung cấp cho các hiệp hội, DN, tổ chức, cá nhân và đối tác trong và ngoài nước. Thực tế hiện nay, một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại… đang tăng trưởng tích cực nhưng lại chưa bao hàm yếu tố bền vững, trong đó có vấn đề thị trường.

Thứ năm, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ công tác thông tin xúc tiến thương mại. Xây dựng phương án liên kết giữa cơ quan xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương, các hiệp hội, DN trong thu thập, lưu trữ, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại…

Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại quốc gia trong tình hình mới - Ảnh 2

Thứ sáu, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn cho các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại địa phương tập trung nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, cũng như năng lực xây dựng đề án, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia, tập huấn cho DN các kỹ năng xúc tiến thương mại trước, trong và sau khi tham gia sự kiện xúc tiến thương mại.

Thứ bảy, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá tính hình thực hiện các đề án được phê duyệt, nắm bắt thông tin nhiều chiều để xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời làm cơ sở cho việc xét phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong những năm tiếp theo.

Về phía các hiệp hội, ngành hàng:

Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan quản lý, các tổ chức xúc tiến thương mại cập nhật thông tin đầy đủ nhất về các thị trường trong và ngoài nước cho DN.

Thứ hai, phối hợp với các dự án quốc tế, tổ chức nước ngoài xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành hàng và nâng cao năng lực xuất khẩu cho các DN.

Thứ ba, tăng cường liên kết với các cơ quan, tổ chức liên quan và các tập đoàn đa quốc gia để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị quốc tế và quan trọng nhất là thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho DN Việt Nam trong xây dựng và phát triển thương hiệu của hàng Việt, nhờ đó tăng khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ tư, tổ chức đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng thông tin xúc tiến thương mại cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương, các hiệp hội, DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu để đáp ứng yêu cầu thực tế… Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thông tin xúc tiến thương mại.

Về phía doanh nghiệp:

Một là, chủ động hơn trong việc tìm kiếm bạn hàng và thị trường, phát huy tốt tinh thần Nhà nước và DN cùng đồng hành. Nhà nước sẽ không làm thay DN mà chỉ hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Hai là, DN cần chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, các DN Việt Nam cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới xúc tiến thương mại để thường xuyên được tiếp cận các cơ hội mà hoạt động xúc tiến thương mại đem lại.

Ba là, nâng cao năng lực công tác thông tin xúc tiến thương mại. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác thông tin xúc tiến thương mại thông qua đổi mới về mô hình, phương thức, cơ chế tài chính thực hiện thông tin xúc tiến thương mại; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn thông tin xúc tiến thương mại đáp ứng yêu cầu của sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ

ThS. Nguyễn Thùy Vân – Đại học Thương mại

Facebook