NHỮNG LƯU Ý CƠ BẢN VỀ VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN

NHỮNG LƯU Ý CƠ BẢN VỀ VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN

Khái niệm: Vận đơn đường biển (Ocean Bill of Lading hay Marine Bill of Lading – thường được viết tắt là B/L) là chứng từ chuyên chở hàng hóa (Transport documents) bằng đường biển do người có chức năng ký phát cho người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu hoặc sau khi hàng hóa được nhận để chở.

I. Đặc điểm của Vận đơn đường biển

  • Thứ nhất, khi nói đến vận đơn đường biển thì việc chuyên chở hàng hóa bằng đường biển bắt buộc phải xảy ra.
  • Thứ hai, do có nhiều phương thức vận tải khác nhau, làm cho chứng từ vận tải có nhiều loại và chức năng của chúng cũng khác nhau, trong đó, khi nói đến vận đơn đường biển ta hiểu đây là loại chứng từ Sở hữu hàng hóa và có tên gọi là Bill of Lading.
  • Thứ ba, người ký phát vận đơn phải là người có chức năng chuyên chở, hoặc người kinh doanh chuyên chở.
  • Thứ tư, thời điểm cấp vận đơn có thể là:

Sau khi hàng hóa đã được bốc xong lên tàu (Shiped on Board)
Sau khi hàng hóa được nhận để chở (Received for shipment)

Thời điểm phát hành vận đơn có ý nghĩa quan trọng trong thương mại và thanh toán quốc tế. Một mặt, nó thể hiện trách nhiệm về chuyên chở hàng hóa và trách nhiệm về hàng hóa đối với người chuyên chở, mặt khác, nó là bằng chứng của việc giao hàng của người bán cho người mua và là thời điểm hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của người bán.

II. Các hình thức phân loại vận đơn đường biển

Vận đơn đường biển khá phong phú về cả nội dung và hình thức, căn cứ vào từng tính chất, hàng hóa, khả năng lưu thông,… để phân loại vận đơn này.

a. Căn cứ vào phê chú trên vận đơn

Chia thành 2 loại:

  • Vận đơn hoàn hảo: vận đơn không có phê chú xấu về hàng hóa hoặc bao bì. Vận đơn hoàn hảo không cần phải ghi từ “hoàn hảo – Clean”. Nếu vận đơn được ghi “Clean” nhưng bị gạch bỏ, hoặc ghi rõ là không hoàn hảo nhưng không có phê chú xấu về hàng hóa hoặc bao bì thì vận đơn vẫn được xem là hoàn hảo
  • Vận đơn không hoàn hảo:Vận đơn có phê chú xấu về hàng hóa hoặc bao bì. Nếu vận đơn có ghi “Clean” nhưng trên vận đơn lại có phê chú về hàng hóa hoặc bao bì thì vận đơn vẫn bị xem là không hoàn hảo.

b. Căn cứ theo tính chất pháp lý về sở hữu hàng hóa

Chia thành 2 loại:

  • Vận đơn gốc: là vận đơn được đóng dấu Original và được đóng mộc, ký bằng tay mang tính chủ sở hữu hàng hoá.
  • Vận đơn copy: Là vận đơn có nội dung giống với vận đơn gốc, không có dấu đỏ hay được ký bằng tay mà COPY-NON NEGOTIABLE, không được chuyển nhượng.

c. Căn cứ vào tình trạng bốc xếp hàng hóa

Chia thành 2 loại:

  • Vận đơn đã bốc hàng lên tàu: Vận đơn này được sử dụng trong trường hợp hàng hóa đã được bốc lên tàu, đồng thời, đơn vị hãng tàu sẽ cấp cho shipper hoặc FWD loại vận đơn này.
  • Vận đơn nhận hàng để chở: Vận đơn này là bản cam kết với chủ hàng rằng hàng sẽ được bốc lên tàu, trên con tàu đã thống nhất từ trước.

d. Căn cứ vào tính lưu thông của vận đơn

Chia thành 3 loại: Vận đơn đích danh; Vận đơn theo lệnh và Vận đơn vô danh

Vận đơn đích danh (Straight B/L): là loại vận đơn được ghi rõ tên và địa chỉ người nhận hàng. Khi sử dụng vận đơn này không chuyển nhượng được cho người khác bằng cách ký hậu chuyển nhượng và chỉ người có tên trên vận đơn mới được phép nhận hàng.

Các trường hợp hàng hoá của vận đơn đích danh bao gồm: Cá nhân gửi hàng cho cá nhân; Quà biếu; Hàng hoá dùng để triển lãm; Hàng hoá vận chuyển trọng nội bộ công ty.

Vận đơn theo lệnh (To order B/L): là loại B/L trên đó không ghi tên và địa chỉ người nhận hàng mà chỉ ghi “theo lệnh” (to order) hoặc có ghi tên của người nhận hàng nhưng đồng thời ghi thêm “hoặc theo lệnh” (or to order). Người nào được quyền đi nhận hàng là tùy thuộc vào người ra lệnh. Đây là loại vận đơn có thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu.

Vận đơn vô danh (to bearer B/L): là loại vận đơn mà trên đó tên người nhận hàng bị bỏ trống, được ghi là vô danh, hoặc phát hành theo lệnh nhưng không ghi rõ là theo lệnh của ai, hoặc phát hành theo lệnh cho một người hưởng lợi nhưng người đó đã ký hậu vận đơn và không chỉ định một người hưởng lợi khác.

e. Căn cứ vào phương thức thuê tàu

Chia thành 2 loại: Vận đơn tàu chợ  và Vận đơn tàu chuyến

Vận đơn tàu chợ: Phần lớn hàng hóa vận chuyển bằng đường biển bằng phương thức tàu chợ nên loại vận đơn này được sử dụng khá phổ biến trong hàng hải quốc tế. Khi hàng hóa được vận chuyển trên tàu chợ, người chuyên chở sẽ cấp cho người gửi hàng một vận đơn, gọi là vận đơn tàu chợ. Khác với vận đơn theo hợp đồng thuê tàu, trên mặt sau vận đơn tàu chợ in sẵn các điều khoản và điều kiện về chuyên chở hàng hóa, còn mặt trước vận đơn có chữ ký của người chuyên chở.

Vận đơn tàu chuyến: Là loại vận đơn được cấp khi sử dụng tàu chuyến, là tàu được thuê theo chuyến để chuyên chở hàng hóa giữa các cảng theo yêu cầu của chủ hàng mà không theo một tuyến đường nhất định. Thông thường, trên vận đơn theo hợp đồng thuê tàu chỉ dẫn chiếu đến một số điều khoản nhất định ghi ở mặt trước, các điều khoản khác được dẫn chiếu đến hợp đồng thuê tàu.

f. Căn cứ vào hành trình vận chuyển

Chia thành 2 loại: Vận đơn đi thẳng và Vận đơn chở suốt

Vận đơn đi thẳng (Direct B/L)

Là vận đơn được cấp trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở thẳng từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng mà không có chuyển tải dọc đường. Vì không có chuyển tải nên nếu trên vận đơn có ô “transhipment” thì phải để trống, không ghi gì; do đó, khi hợp đồng thương mại hay L/C yêu cầu vận đơn đi thẳng được thể hiện bằng câu “transhipment not allowed”, mà trên vận đơnlại thể hiện cảng chuyển tải, thì vận đơn đó coi như không đáp ứng được yêu cầu của hợp đồng hay L/C. Trong trường hợp này, người bán có thể bị từ chối thanh toán tiền hàng ghi trên vận đơn.

Vận đơn chở suốt (throught B/L)

Là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hó được chuyên chở từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng nhiều con tàu, bởi một hay nhiều người chuyên chở, nghĩa là hàng hóa phải chuyển tải dọc đường. Vì được chuyển tải, nếu trên vận đơn chở suốt phải thể hiện là được phép chuyển tải (transhipment allowed) và phải thể hiện rõ cảng bốc, cảng dỡ và cảng chuyển tải và tên con tàu chuyển tải. Vì có nhiều người chuyên chở cùng tham gia, nên thường có một người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm về toàn bộ hàng trình chuyên chở; người này được quyền cấp vận đơn chở suốt.

Nếu hàng hóa được chuyên chở bởi một hãng tàu, thì khi chuyển tải, các đại lý của người chuyên chở sẽ làm thủ tục giao nhận cới nhay bằng chứng từ cùng với danh mục hàng hóa (manifest). Nếu hàng hóa được chuyên chở bởi nhiều hãng tàu khác nhau, thì khi chuyển tải, mỗi người chuyên chở cấp một vận đơn chặng (hay vận đơn địa hạt – local B/L). Cả hai loại chứng từ này (manifest và Local B/L) chỉ có giá trị như là biên lai giao nhận hàng hóa giữa các đại lý hay giữa những người chuyên chở với nhau, không phải là chứng từ sở hữu hàng hóa như vận đơn giao cho người gửi hàng (vận đơn chở suốt)

Người gửi hàng không cần biết đến các chứng từ này vì chúng thuộc nội bộ của nghiệp vụ vận tải biển. Khi có tổn thất hàng hóa, người chủ hàng chỉ cần kiện người cấp vận đơn chở suốt. Sau đó những người chuyên chở giải quyết với nhau xem hàng có bị hư hỏng ở chặng nào và ai là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng hư hỏng, mất mát của hàng hóa.

Như vậy, vận đơn chở suốt dùng để điều chỉnh mối quan hệ pháp lý giữa chủ hàng và người chuyên chở cấp vận đơn chở suốt; còn vận đơn địa hạt dùng để điều chỉnh quan hệ nội bộ giữa những người chuyên chở với nhau.

g. Một số loại vận đơn khác

Một số loại vận đơn khác bạn nên lưu ý, tuy không được ứng dụng thường xuyên nhưng trong một số trường hợp, các loại vận đơn này vẫn được sử dụng tùy vào tính chất và chức năng của chúng.

  • Vận đơn rút gọn
  • Vận đơn hải quan
  • Vận đơn của người giao nhận
  • Vận đơn của bên thứ ba
  • Vận đơn container

III. Mẫu vận đơn đường biển

1/ Tiêu đề của vận đơn: Trong trường hợp này, vận đơn có tiêu đề thuộc loại “vận đơn hỗn hợp” hoặc “từ cảng tới cảng”

2/ Số vận đơn: Mỗi vận đơn đều phải có số riêng của nó để phân biệt với các vận đơn khác, đồng thời để ghi trên các chứng từ khác có tác dụng là số thám chiếu.

3/ Tên công ty vận tải biển: Ngoài tên công ty, trên một số vận đơn còn in sẵn Logo công ty, địa chỉ kinh doanh, điện thoại, fax… của công ty.

4/ Người gửi hàng: Người gửi hàng thường là nhà xuất khẩu. Ô này ghi đầy đủ tên và địa chỉ kinh doanh của người gửi hàng; ngoài ra, còn có thể ghi thêm số điện thoại, fax, telex, số hiệu tài khoản…

5/ Người nhận hàng: Tùy theo loại vận đơn là đích danh, theo thuyền trưởng hay người chuyên chở thông báo về chuyến tàu và ngày giờ cập cảng đích. Ngoài tên và địa chỉ, có thể ghi thêm số điện thoại, fax, telex… Thông thường, trong ô này có một ghi chú về điều khoản miễn trách đối với thuyền trưởng hay chuyên chở nếu như việc thông báo không được thực hiện.

7/ Nơi nhận hàng để chở: Ghi địa điểm hàng hóa để nhận để chở. Địa điểm này có thể ở ngay cảng bốc hàng hoặc ở sâu trong đất liền.

8/ Tên cảng bốc hàng lên tàu.

9/ Tên cảng dỡ hàng

10/ Nơi giao hàng cho người nhận hàng: Địa điểm này có thể ở ngay cảng đích hàng hoặc ở sâu trong đất liền.

11/ Tên con tàu chở hàng và số hiệu chuyến tàu. Chú ý, trên chứng từ, tên con tàu thường được thể hiện bằng ký hiệu viết tắt M/V (Marine Vessel)

12/ Số lượng vận đơn gốc được phát hành: Thông thường được ghi bằng số và bằng chữ.

13/ Ký mã hiệu và số hiệu hàng hóa. Ký mã hiệu hàng hóa còn được viết là “Shipping Marks”.

14/ Số lượng và mô tả hàng hóa.

15/ Trọng lượng cả bì.

16/ Thể tích.

17/ Tổng số Containers hoặc kiện hàng được ghi bằng chữ.

18/ Phần khai hàng hóa ở trên do nguời gửi hàng thực hiện: Thực chất đây là điều khoản quy định việc kê khai hàng hoá trên vận đơn phải do người gửi hàng thực hiện và tự chịu trách nhiệm, nếu có sai sót gì thì người chuyên chở không chịu trách nhiệm, cho dù ngay cả khi người chuyên chở có ghi hộ.

19/ Ghi chi tiết về cước phí vận chuyển và cước phụ phí: Nếu cước phí là trả trước thì ghi “Freight prepaid/ Freight paid”, còn nếu trả sau thì ghi ”Freight to collect/Freight to be paid at destination”.

20/ Nội dung phần này phản ánh cam kết của người chuyên chở về việc đã nhận hàng và trách nhiệm chở hàng hóa đến nơi quy định, đồng thời cũng nêu lên các trường hợp miễn trách đối với người chuyên chở.

21/ Nơi và ngày tháng phát hành vận đơn.

22/ Người phát hành vận đơn ký tên.

23/ Trên một số loại vận đơn, ô này được in sẵn để tiện điền vào. Vì người chuyên chở có thể nhận hàng và phát hành vận đơn vào một ngày nào đó, nhưng hàng hóa chỉ được bốc lên tàu sau đó, để phù hợp với điều kiện trong hợp đồng thương mại hay điều kiện thanh toán là vận đơn phải ghi hàng hóa đã được bốc xong lên tàu, thì sau khi bốc hàng lên tàu, người chuyên chở ghi chú thêm vào ô này. Nếu ô này không được in sẵn thì phải có ghi chú riêng trên vận đơn.

IV. Chức năng, vai trò của vận đơn đường biển

Vận đơn là biên lai hàng hóa, do thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền của người vận tải ký. Đây là chức năng sơ khai của vận đơn. Trước đây, các thương gia thường hành trình cùng hàng hóa của mình trên tàu đến chợ để bán hàng theo phương thức mặt đối mặt. Vào thời đó, không cần đến vận đơn.

Tuy nhiên khi thương mại phát triển, và các thương gia có thể gửi hàng cho đại lý của mình ở nước ngoài để bán hàng tại đó. Khi đó, hàng được xếp lên tàu đưa tới cảng đích; người gửi hàng đòi hỏi biên lai xác nhận thuyền trưởng đã thực nhận hàng, và giữ biên lai đó cho đến khi hàng được giao cho người nhận hàng tại cảng dỡ.

Vận đơn là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển giữa người vận chuyển và người gửi hàng. Thường thì người gửi hàng và người vận chuyển có thỏa thuận (hợp đồng vận chuyển) trước khi hàng hóa được xếp lên tàu, và vận đơn được phát hành. Và khi vận đơn được phát hành, nó là bằng chứng đầy đủ về hợp đồng vận tải hàng hóa ghi trong vận đơn.

Vận đơn là chứng từ sở hữu đối với hàng hóa ghi trên chứng từ này. Đây là chức năng hay đặc tính quan trọng nhất của vận đơn trong thương mại quốc tế hiện nay. “Chứng từ sở hữu” là chứng cho phép người chủ hợp lệ có quyền sở hữu đối với hàng hóa. Quyền sở hữu này có thể được chuyển nhượng bằng cách ký hậu vận đơn.

Facebook