TRÁI BƯỞI VIỆT NAM CHÍNH THỨC ĐƯỢC XUẤT KHẨU SANG THỊ TRƯỜNG MỸ VÀ NHỮNG THỦ TỤC CẦN CÓ KHI XUẤT KHẨU BỞI TỪ VIỆT NAM

TRÁI BƯỞI VIỆT NAM CHÍNH THỨC ĐƯỢC XUẤT KHẨU SANG THỊ TRƯỜNG MỸ
VÀ NHỮNG THỦ TỤC CẦN CÓ KHI XUẤT KHẨU BỞI TỪ VIỆT NAM

Trái bưởi Việt Nam hiện đang rất được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường tiêu dùng tại Mỹ. Ngày 28/11/2022, những lô bưởi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị quan tâm tới thủ tục xuất khẩu loại trái cây này gồm những gì. Hãy cùng Maxway Vina tìm hiểu bài viết dưới:

Trái bưởi Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Ngày 28/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ”.

Sau gần 6 năm đàm phán đăng ký xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, đến nay thị trường này đã chính thức nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Bến Tre là địa phương xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang thị trường này.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến đầu ra sản phẩm nông sản nói chung và trái bưởi nói riêng vô cùng khó khăn. Sự kiện trái bưởi Việt Nam được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ đã mang lại sự phấn khởi cho bà con nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hoa Kỳ là thị trường lớn đầy tiềm năng đối với các loại hoa qua tươi xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Hoa Kỳ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 105,4 nghìn ha trồng bưởi, sản lượng gần 905 nghìn tấn, với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32 nghìn ha, với sản lượng khoảng 369 nghìn tấn… Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Việc khơi thông được thị trường Hoa Kỳ cho trái bưởi Việt Nam còn giúp cho mặt bằng chung về giá bán và sản lượng tiêu thụ của Bến Tre tăng lên. Đây chính là động lực để bà con tập trung canh tác bưởi bưởi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ rất khắt khe. Vừa qua, như tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tỷ lệ thu mua đạt tiêu chuẩn sang Hoa Kỳ chỉ đạt 10%. Do đó, các nhà vườn tại đây cũng đề nghị các ngành chức năng xây dựng mô hình điểm canh tác bưởi đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Qua đó, nhân rộng để giúp nâng tỷ lệ hàng đạt chuẩn lên 80 – 90% khi thu mua bưởi xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Nguyễn Minh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – cho biết, trái bưởi được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là quá trình rất gian nan đòi hỏi quy trình canh tác, bảo quản rất vất vả.

Do đó, về lâu dài quy trình sản xuất canh tác trái bưởi cần phải được thay đổi. Trước mắt, cần sự phối hợp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Khoa học công nghệ trong việc hướng dẫn bà con nông dân quy trình sản xuất để nâng cao tỷ lệ bưởi đạt chuẩn tại vườn cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ nông dân.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, muốn xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ, phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Hoa Kỳ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Hoa Kỳ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tập trung tập huấn cho người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Đồng thời, các địa phương cũng đang tích cực phối hợp với Cục bảo vệ thực vật để triển khai thiết lập mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân, sẵn sàng cho việc xuất khẩu lô bưởi da xanh của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia, lô hàng bưởi tươi đầu tiên xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ thể hiện uy tín, chất lượng và tính chuyên nghiệp của người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý trong việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của một trong những thị trường khó tính nhất.

Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường Hoa Kỳ và xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ mới là bước khởi đầu. Để trái bưởi tươi của Việt Nam chiếm lĩnh được thị phần tại thị trường “Xứ cờ hoa” đòi hỏi các các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ nhanh chóng triển khai, tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và các yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ. Đồng thời, cùng phối hợp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bưởi của Việt Nam nói chung và xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói riêng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho tất cả các bên tham gia chuỗi sản xuất – xuất khẩu.

Xuất khẩu bưởi sang Mỹ cần phải đáp ứng được các điều kiện gì?

Hoa Kỳ có những điều kiện, tiêu chuẩn khá khắt khe khi nhập khẩu trái bưởi từ Việt Nam. Để xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, trái bưởi Việt Nam cần đáp ứng được các điều kiện như:

    • Về quy định khi xuất khẩu, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). 
    • Trái bưởi xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chí không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm. Phải được xử lý chiếu xạ và có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi Cục Bảo vệ thực vật.
    • Các vùng trồng, cơ sở đóng gói trái bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ đi những đối tượng dịch hại Mỹ quan tâm. Bao gồm có các loại ruồi đục quả Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae, sâu đục quả Prays endocarpa. Và các loại nấm khác như Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana.
    • Trước khi đưa vào nhà máy đóng gói, phải loại bỏ những quả rụng, những quả chưa đạt tiêu chuẩn. Và phần vỏ trái bưởi phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả. 
    • Loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ trường hợp cuống quả ngắn hơn 2,5cm vẫn còn gắn vào quả).
    • Lô hàng trái bưởi xuất khẩu sang thị trường Mỹ cần phải được xử lý chiếu xạ với liều tối thiểu là 150 Gy.

Chi tiết thủ tục xuất khẩu bưởi

Chính sách pháp lý

Trái bưởi không nằm trong danh mục các sản phẩm, hàng hóa cấm xuất khẩu. Do đó, đơn vị, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xuất khẩu bưởi sang thị trường nước ngoài.

Căn cứ theo điều 1 được ban hành theo thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/09/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khi xuất khẩu thì rau củ, hoa quả cần phải được kiểm dịch thực vật. Do đó trước khi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp cần phải đăng ký kiểm dịch thực vật cho lô hàng bưởi xuất khẩu.

Mã HS Code và thuế xuất khẩu bưởi

Căn cứ vào biểu thuế xuất khẩu 2022, trái bưởi có mã HS Code là 08054000. Cụ thể: 

    • 0805: Nhóm các loại quả thuộc họ cam quýt, tươi hoặc khô.
    • 08054000: Mã HS Code quả bưởi, kể cả bưởi chùm.

Thuế xuất khẩu bưởi theo quy định hiện nay cụ thể như sau:

    • Thuế VAT: Theo quy định hiện hành, thuế VAT của trái bưởi xuất khẩu là 0%;
    • Thuế xuất khẩu: Vì bưởi không nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế xuất khẩu. Do đó, đơn vị không cần phải nộp thuế xuất khẩu trái bưởi.

Thủ tục hải quan xuất khẩu trái bưởi

Thủ tục hải quan xuất khẩu bưởi gồm có những giấy tờ, chứng từ sau:

    • Invoice (Hóa đơn thương mại)
    • Packing List (Phiếu đóng gói hàng hóa)
    • Bill Of Lading (Vận đơn)
    • Sales Contract (Hợp đồng thương mại)
    • Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate)
    • Các giấy tờ, chứng từ khác theo quy định của nước nhập khẩu.

Thủ tục làm kiểm dịch thực vật bưởi xuất khẩu

Căn cứ theo thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT, khi xuất khẩu bưởi, đơn vị cần phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật bưởi xuất khẩu gồm những giấy tờ sau:

    • Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật được quy định theo mẫu của Chi cục kiểm dịch;
    • Các chứng từ như: Hợp đồng thương mại, vận đơn, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói hàng hóa (Nếu có);
    • Nếu bên đăng ký là người được chủ hàng ủy quyền thì cần chuẩn bị giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền của chủ hàng.

Facebook